Những câu chuyện về sự hi sinh quả cảm của đồng đội bố chắc chắn sẽ bồi đắp thêm tinh thần vượt qua khó khăn của một người lính thời bình như Đại.
Ngồi bên hài cốt của đồng đội, ông Nậm lại dưng dưng nhớ về những giây phút cuối cùng. Sau trận đột kích, nhiều đồng chí bị thương nặng, dù ông Nậm và mọi người đã cố gắng cấp cứu nhưng không giữ được tính mạng cho đồng đội.
“Cả đời bố gắn bó với việc chữa bệnh, cứu người, khó khăn nhất là cảnh phải chứng kiến đồng đội của mình ra đi. Chú ấy còn trẻ lắm. Đôi mắt trong veo, đầy khát vọng cuộc sống”, ông Nậm kể lại trong niềm xúc động dâng trào.
Đại lắng nghe và thấm thía từng câu chuyện bố kể, anh hiểu rằng để có được hoà bình ngày hôm nay, cha ông mình đã phải đánh đổi bằng xương máu nên anh càng quyết tâm hơn trong công việc hiện tại. Vậy là bố con Đại đã hoàn thành nhiệm vụ đưa hài cốt của đồng chí Vinh về với gia đình sau nhiều năm xa cách.
Nhưng trong lòng ông Nậm vẫn chưa nguôi ngoai, ông chưa tìm thấy Khải, người đồng đội dũng cảm năm nào đã hi sinh để cho ông và những người khác được sống. Người lính trẻ hài hước ấy đang chuẩn bị lùi về hậu phương thì địch đột kích, anh đã tình nguyện ở lại để chiến đấu bảo vệ căn cứ và mãi mãi nằm lại nơi đó. Tất cả những đồng đội của Khải vô cùng đau đớn trước sự ra đi của anh, mọi người đã cẩn thận chôn cất anh giữa mảnh rừng gần lán căn cứ. Và ông Nậm khi đó hứa sẽ đưa anh trở về với gia đình khi hoà bình.
Ông Nậm sau nhiều năm vẫn không quên lời hứa ấy với người đồng đội cũ, câu chuyện của Khải vẫn luôn nằm trong tâm trí ông. “Ngày cuối cùng ở bệnh xá, chú ấy buồn lắm và lưu luyến, bởi vì nếu được về nhà thì có còn ai để chờ đợi chú ấy đâu”, ông Nậm kể. Bất cứ lúc nào nghĩ tới, ông vẫn không ngừng xúc động.
“Còn chứ bố! Nếu như gia đình chú ấy không còn ai, thì bố chính là gia đình của chú ấy và cả con cũng là gia đình của chú ấy”. Đại hẳn cũng nghe bố tâm sự về đồng đội, về chiến trường năm xưa không ít và có lẽ, thâm tâm anh từ lâu đã muốn trở thành người thân, là gia đình của những người hy sinh bản thân để bố anh, những người đồng đội khác được sống và đất nước được hòa bình.
Sau kì nghỉ phép, Đại tạm biệt bố để lên đường tiếp tục nhiệm vụ của một người lính. “Chúc đồng chí lên đường chân cứng đá mềm, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, ông Nậm lưu luyến nói.