Dưới đây là những chiến dịch marketing thất bại để lại nhiều bài học “xương máu” cho các doanh nghiệp.
1. Dove
Qua nhiều năm, với những nỗ lực truyền thông, Dove đã in dấu trong tâm trí khách hàng là thương hiệu tôn vinh vẻ đẹp đích thực của phụ nữ. Tiếp nối thành công, các chiến dịch liên tục được tung ra. Tuy nhiên, vào năm 2017, Dove đã khiến mọi người bất ngờ khi tung ra các mẫu chai phiên bản giới hạn. Chiến dịch này nhằm mục đích truyền thông rằng mọi hình dáng cơ thể đều đẹp.
Dove sản xuất sáu loại chai có hình khác nhau tượng trưng cho các kiểu hình dáng của người phụ nữ. Dove muốn truyền tải rằng, dù bạn cao hay gầy, nhỏ nhắn hay tròn trịa, điều đó không quan trọng. Tất cả đều đẹp và đều hoàn hảo.
Thế nhưng, sự đón nhận của công chúng lại đi ngược với kỳ vọng của nhãn hàng. Phụ nữ giờ đây lại “bị” đánh đồng với những chai xà phòng, vô hình chung “bắt” họ phải chọn những chai nào có “hình dáng” giống với mình.
Ngay lập tức, chiến dịch của Dove trở thành chủ đề bán tán trên các phương tiện truyền thông xã hội và gây tranh cãi trên toàn thế giới. Hàng nghìn bài đăng chế giễu chai Dove phiên bản giới hạn đã được xem và chia sẻ.
2. Pepsi
Đầu tháng 4/2017, Pepsi ra mắt một quảng cáo sản phẩm mới lấy bối cảnh từ những cuộc biểu tình chống kỳ thị da đen mang tên Black Lives Matter. Kết thúc đoạn quảng cáo dài hai phút rưỡi mang tên “Jump In” là hình ảnh người mẫu Kendall Jenner, đại diện nhóm người biểu tình, trao một lon Pepsi cho một viên sĩ quan cảnh sát và mọi người trở nên vui vẻ, thân thiện với nhau.
Đoạn clip này nhanh chóng nhận tỉ lệ “dislike” (ghét) đến mức chóng mặt và đẩy những tranh cãi lên đến đỉnh điểm. Theo đa số cư dân mạng, quảng cáo lấy cảm hứng từ cuộc biểu tình của người tham gia phong trào “Black Lives Matter” (Người da màu đáng được sống) mục đích chống lại sự bất bình đẳng và hành vi bạo lực của cảnh sát đối với người Mỹ gốc Phi là rất phi thực tế, cho thấy sự ngây thơ của ê kíp trước hiện thực trần trụi.
Pepsi ngay lập tức đã phải xin lỗi và tháo mẫu quảng cáo gây nhiều tranh cãi. 6 tháng sau, chủ tịch của PepsiCo, Brad Jakeman, đã từ chức và nói với Ad Age rằng đây là trải nghiệm đau đớn nhất trong sự nghiệp của mình.
3. Adidas
Adidas là một trong những thương hiệu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thể thao và phong cách sống. Được thành lập vào năm 1949 bởi Adolf Dassler, Adidas đã trở thành biểu tượng của sự phát triển và đổi mới trong ngành công nghiệp thể thao.
Đầu năm 2017, Adidas đã phải chịu chỉ trích rất lớn vì một email quảng bá sử dụng ngôn từ tệ nhất trong lịch sử. Hãng thể thao này đã gửi đi một email chúc mừng những vận động viên chạy “đã sống sót” trong giải chạy Boston Marathon với đối tượng email này hướng đến: “Xin chúc mừng, bạn đã sống sót trong cuộc đua Boston Marathon!”
Nhiều người đã cảm thấy bị xúc phạm và lên tiếng chỉ trích về email này bởi nó vô tình làm người ta gợi nhớ lại vụ đánh bom năm 2013 cũng tại cuộc đua marathon tại Boston, vụ đánh bom năm đó đã giết chết 3 người và làm rất nhiều người bị thương. Adidas đã cố gắng sửa sai bằng một email xin lỗi tới những người nhận email đầu.
4. McDonald’s
McDonald’s và hãng Leo Burnett Anh đã đánh vào cảm xúc mất mát trong quảng cáo này, quảng cáo đã bị chỉ trích nặng về vì nó khai thác vào sự mất mát của một cậu bé. Quảng cáo nói về người mẹ của một cậu bé cho cậu biết bố cậu là người thế nào, điều này làm cho cậu bé rất buồn bởi giữa cậu và bố cậu dường như chẳng có điểm chung gì.
Cho đến khi cậu ăn chiếc bánh Filet-O-Fish tại một cửa hàng McDonald’s, và mẹ cậu nói rằng bố cậu cũng thích ăn món này. Nhiều người thấy quảng cáo này gây khó chịu đến mức Cơ quan Thẩm định Tiêu chuẩn quảng cáo Anh đã phải nhận khoảng 100 lời phàn nàn trước khi McDonald quyết định gỡ bỏ đoạn quảng cáo đó.
5. Ford
Tháng 3/2013, hãng xe hơi danh tiếng Ford cùng đối tác là Công ty quảng cáo JWT Ấn Độ đã vội vã xin lỗi ngay khi những áp-phích biếm họa quảng cáo rò rỉ trên mạng. Những hình ảnh trong áp-phích khiến công chúng mạng giận dữ và phản đối dữ dội bởi cảnh các ngôi sao truyền hình thực tế nhà Kardashian gồm Kim, Kourtney và Khloe bị trói, bịt miệng và phía trước xe là Paris Hilton đang cười vui vẻ. Câu thông điệp cho được đưa ra là: “Hãy quẳng mọi nỗi lo của bạn ra phía sau xe Figo”.
Các mẫu quảng cáo trên đã gây ra làn sóng phản đối dữ dội. Cộng đồng mạng cho rằng chúng cổ xúy bạo hành phụ nữ đang là vấn nạn tại Ấn Độ. Đồng thời, những cảnh này quá thô bạo với phụ nữ và không hề gây cười chút nào.
Sethi Deepti, phát ngôn viên của Ford, đã nói lời xin lỗi và cho biết rằng những quảng cáo này đi ngược tiêu chuẩn về chuyên nghiệp và khuôn phép của Ford cũng như đối tác JWT Ấn Độ. Vì thế, họ đang rà soát nghiêm túc sự việc này để có biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo không có chuyện tương tự xảy ra lần nữa.